“Vài năm trước, tôi cũng chưa biết đến Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Sau này, tại một hội thảo quốc tế, tôi gặp một nhà nghiên cứu và thảo luận về các phương pháp nghiên cứu với cô ấy. Tôi thật sự bị ấn tượng bởi nhà nghiên cứu này. Cô ấy hy vọng tôi có thể đến thăm Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và chia sẻ về các chủ đề thuộc chuyên môn của tôi như các mô hình định lượng và một số chủ đề nổi bật khác.” 

Đó là một trong những chia sẻ với các nhà nghiên cứu trẻ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) của GS.TS. Joseph F. Hair, Jr - Giám đốc Chương trình Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh và Trưởng khoa Kinh doanh Cleverdon của Học viện Kinh doanh Mitchell, Đại học Nam Alabama. Ông hiện nằm trong Top 1% Giáo sư Kinh doanh và Kinh tế toàn cầu, nhờ vào những trích dẫn về nghiên cứu và thành tựu học thuật của mình, với tổng cộng hơn 200,000 trích dẫn trong sự nghiệp tính đến thời điểm hiện tại.

Nói về lý do đến thăm Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và chia sẻ tại Hội thảo Phương pháp nghiên cứu, GS.TS. Joseph F. Hair cho rằng đây là một cơ duyên rất đặc biệt. 

Nhà nghiên cứu ấy chính là TS. Lê Nhật Hạnh - Trưởng bộ môn Phương pháp nghiên cứu Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Nhận lời mời của TS. Hạnh và kết nối cùng Viện Đào tạo Quốc tế (ISB) thuộc UEH, từ ngày 04 đến 07/12/2019, trong chuyến làm việc đầu tiên tại Việt Nam, GS. Joseph Hair đã đến thăm và trao đổi về hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học cùng GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng UEH. Ngoài ra, Giáo sư Hair còn có hai buổi diễn thuyết thú vị tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ với các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ về chủ đề Phương pháp nghiên cứu, Dữ liệu lớn (Big data) và Phân tích dữ liệu.

Trong chuyến ghé thăm Việt Nam lần đầu tiên của vị Giáo sư 75 tuổi, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vinh dự đón GS.TS. Joseph F. Hair xuất hiện tại Hội thảo khoa học của Trường trong vai trò keynote speaker. 

Đến với buổi Hội thảo sáng ngày 05/12/2019 tại Phòng A.204 - Cơ sở A (UEH), Giáo sư Hair đã trình bày chủ đề về Structural equation modelling: Covariance-based (CB-SEM) and Partial Least squares (PLS-SEM). Chương trình có sự tham dự của các nhà nghiên cứu đầu ngành tại Việt Nam như: PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, PGS.TS. Lê Nguyên Hậu. Ngoài ra, hội thảo cũng thu hút đông đảo sự tham dự của khoảng 50 giảng viên, chuyên gia nghiên cứu từ các Trường Đại học như: Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. 

Lý giải về lý do chọn chủ đề chia sẻ tại Hội thảo Phương pháp nghiên cứu, GS. Hair cho rằng: Trong giới học thuật, hiện có nhiều tranh cãi về phương pháp nào sử dụng để phân tích dữ liệu tốt hơn. Nhiều nhà nghiên cứu quen thuộc với mô hình CB - SEM với nhiều ưu điểm, tuy nhiên phương pháp PSL - SEM cũng có những ưu điểm khác. Bản thân tôi có sự am hiểu nhất định và nghiên cứu sâu về cả hai phương pháp, vì vậy, tôi muốn chia sẻ chủ đề này đến với các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, lĩnh vực Big Data cũng là một chủ đề đang nóng hiện nay, tôi muốn chia sẻ những lợi ích, cơ hội nghiên cứu thú vị và giới thiệu quyển sách của mình về lĩnh vực này.

Tại buổi hội thảo, GS. Hair đã trình bày những vấn đề trọng tâm của hai mô hình CB-SEM và PLS-SEM, so sánh những điểm giống và khác biệt của hai mô hình và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các nhà nghiên cứu trong quá trình thực hiện. 

Nghiên cứu sinh Lã Anh Đức - Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cảm thấy hai buổi được nghe GS. Hair - một nhà nghiên cứu đẳng cấp thế giới chia sẻ thực sự là một dịp đặc biệt và hiếm hoi, có thể coi là một “món quà Noel” cuối năm cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Những chia sẻ của GS.Hair đã giúp NCS Anh Đức nắm rõ hơn về các phương pháp nghiên cứu định lượng. Cách tiếp cận của Thầy Hair giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ hoặc chưa có nền tảng vững về các công thức toán, thống kê hình dung rõ ràng hơn các bước cụ thể cần làm sau khi thu thập dữ liệu.

Sáng ngày 06/12/2019, GS. Hair tiếp tục chia sẻ với các nghiên cứu sinh về chủ đề Dữ liệu lớn và Phân tích dữ liệu (Big data) tại Phòng I2.01 - Viện Đào tạo quốc tế (ISB), đồng thời trình bày chi tiết hơn về mô hình Partial Least squares (PLS-SEM).

Khi được hỏi động lực nào giúp Giáo sư trở thành một trong những nhà nghiên cứu và công bố quốc tế hàng đầu thế giới về lĩnh vực Marketing và phương pháp nghiên cứu định lượng, GS. Hair cười và cho biết: “Tôi không rõ là từ khi nào tôi trở thành nhà nghiên cứu và công bố quốc tế toàn cầu bởi vì tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ trở nên như vậy. Tôi yêu thích việc mình đang làm. Tôi cố gắng sắp xếp thời gian cho gia đình và hoàn thành tốt công việc của mình. Tôi tận hưởng kết quả tích cực từ nỗ lực của bản thân, cũng như sự ghi nhận và khích lệ của mọi người. Điều đó giúp tôi có động lực để tiếp tục cố gắng làm việc”. 

Ông còn đặc biệt dành những lời khuyên chân thành cho những nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam:

“Nhà nghiên cứu trẻ cần có kỹ năng nghiên cứu xuất sắc về định tính và định lượng. Đây là công cụ giúp nhà nghiên cứu tìm ra các chủ đề thú vị, phương pháp nghiên cứu đúng cách. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cũng cần phải kiên trì và tập trung hết sức trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Phải luôn nhất quán và kiên trì với đề tài nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam nên ý thức về những gì đang diễn ra xung quanh, luôn cập nhật những điều mới trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, nhà nghiên cứu trẻ cũng phải tin tưởng vào chính bản thân mình, tin là mình có thể làm được. Cứ làm đi làm lại, kiên trì thì thành công sẽ tới. Một điều nữa là phải tìm ra một hình mẫu nhà nghiên cứu thành công trong ngành để quan sát, học hỏi và phát triển bản thân”. 

Chuyến thăm và làm việc của GS. Joseph F. Hair tại Viện Đào tạo quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc thành công tốt đẹp, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học của UEH mà còn giúp các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam cập nhật học hỏi được những mô hình định lượng mới từ một chuyên gia đầu ngành, có nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học.

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng

GS. Hair là tác giả của hơn 80 phiên bản sách, bao gồm: cuốn Marketing, Cengage Learning với lần tái bản thứ 13 vào năm 2020; cuốn Phân tích dữ liệu đa biến, Cengage Learning tại Anh Quốc (được trích dẫn hơn 115,000 lần và là một trong năm sách giáo khoa hàng đầu mọi thời đại về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội) với lần tái bản thứ 8 vào năm 2019; cuốn Yếu tố cần thiết của phương pháp nghiên cứu kinh doanh, Routledge với lần tái bản thứ 4 vào năm 2020; cuốn Yếu tố cần thiết của nghiên cứu tiếp thị, McGraw-Hill với lần tái bản thứ 5 vào năm 2020, và cuốn Sơ cấp về Mô hình cấu trúc phương trình bình phương nhỏ nhất, Sage với lần tái bản thứ 2 vào năm 2017.

Ông cũng đã công bố nhiều bài báo quốc tế trên các tạp chí học thuật như Tạp chí Nghiên cứu Marketing, Tạp chí Học viện Khoa học Marketing, Phương pháp nghiên cứu tổ chức, Tạp chí Nghiên cứu quảng cáo, Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh, Tạp chí Kế hoạch Tầm xa, Quản lý Tiếp thị Công nghiệp, Tạp chí Bán lẻ và các tạp chí khác.